Tin tức - bài viết
KỸ SƯ NÔNG DÂN VÀ CHIẾC MÁY BƠM NƯỚC
Không bằng cấp, không qua trường lớp hay các khóa học đào tạo về cơ khí, từ một người nông dân quan năm lăn lộn với đồng ruộng, ông Nguyễn Kim Hùng sinh năm 1958 ở thôn Cầu Đào (xã Nhân Thắng- Gia Bình) đã tự tìm tòi, và sáng tạo ra những máy móc, thiết bị có tính ứng dụng cao, góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất. Một trong số đó là chiếc máy bơm nước Thiên Long – Hùng Phương –Sản phẩm được tôn vinh là Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh năm 2016.
Ông Nguyễn Kim Hùng là người truyền lửa và tình yêu với máy móc cơ khí để con trai tiếp quản sự nghiệp.
Từ sửa xe đạp đến chế tạo máy bơm nước
Khác hẳn với sự mường tượng của chúng tôi về một ông chủ xưởng cơ khí tiền tỷ, ông Nguyễn Kim Hùng mang hình ảnh khiêm tốn, phúc hậu và nhanh nhẹn của một người nông dân thuần khiết. Ông chia sẻ: “Từ năm 11 tuổi, tôi đã có niềm đam mê với những ốc vít của các dụng cụ trong nhà như quạt, đồng hồ, nhưng chỉ dừng lại ở đó… Năm 23 tuổi, sau khi xuất ngũ, trở về địa phương lập gia đình, tôi nghĩ đến những nghề liên quan đến sở thích của mình và bắt tay vào mở cửa hàng sửa xe đạp rồi đến xưởng gò hàn, gia công đồ gia dụng…”. Từ những công việc thô sơ đó, cộng với sự kiên trì được tôi luyện qua năm tháng ở chiến trường, ông dần tìm ra được cơ chế vận động, nguyên liệu lắp ghép và chế tạo một số sản phẩm cơ khí nông nghiệp. Những năm 1990, ông tự mày mò chế tạo máy tuốt lúa đạp chân, máy tuốt lúa gắn động cơ, máy làm bún, máy xay giò. Doanh nghiệp điện cơ Thiên Long (tiền thân của cơ sở sản xuất Thiên Long – Hùng Phương) được thành lập từ đó.
Năm 2003, khi đa số người dân quê ông chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, lúc này, việc cải tạo ao hồ mất khá nhiều thời gian và công sức. Lại trăn trở suy nghĩ đến việc tạo ra một sản phẩm hữu ích giúp bà con giải phóng sức lao động, ông Hùng lặn lội ra Công ty cơ khí Hà Nội để thực mục sở thị những chiếc máy hiện đại và tìm tòi linh kiện phù hợp. Sau một thời gian dày công thử nghiệm, chiếc máy bơm đầu tiên mang tên Thiên Long của ông ra đời nhận được sự phản hồi tích cực của người dân trong vùng. Sản phẩm có nhiều tính năng ưu việt như: thiết kế nhỏ gọn, phần vỏ động cơ và cụm bơm ly tâm được sản xuất bằng hợp kim nhôm nên máy rất nhẹ, có thể dễ dàng di chuyển và lắp đặt. Ngoài ra, máy còn được trang bị đồng hồ vol để theo dõi nguồn điện áp và Atomat bảo vệ động cơ trong quá trình hoạt động. Máy có thể hoạt động trong phạm vi điện áp khá rộng từ 170V-240, được xem là một lợi thế tuyệt vời phù hợp với mạng lưới điện tại các vùng nông thôn thường không ổn định, có khả năng ứng dụng rộng rãi cấp thoát nước cho các ao nuôi thủy sản, tưới tiêu ruộng đồng, bơm bùn loãng, nước thải…
Ước vọng mang sản phẩm xuất ngoại
Đến nay, cơ sở sản xuất Thiên Long – Hùng Phương đã cho ra thị trường nhiều máy móc hiện đại như: Máy bơm nước Thiên Long HP model TL100 (1,7Kwx110); Model TL100 (1,7KWx110); Model TL80 (1,5KWx110); Model TL60A (1,1KWx76); Model TL50 (0,75KWx76);Model TL140 (3,0KWx140); Máy sục tạo khí oxy hòa tan… Các thế hệ máy bơm nước của cơ sở đạt được nhiều giải thưởng như: Sản phẩm tiêu biểu Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn các tỉnh phía Bắc năm 2010, Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2011…và mới đây là top 3 sản phẩm tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh tham dự sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc năm 2016. Với tính năng ưu việt và giá thành phải chăng, máy bơm nước của công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc với hơn 100 đại lý lớn nhỏ. Ngoài ra, cơ sở cung cấp hàng vạn linh kiện cho các tỉnh miền Bắc, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/ năm.
Từ chiếc máy bơm nước ban đầu, ông Nguyễn Kim Hùng đã mở rộng quy mô xưởng sản xuất khoảng 1.500m2, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, với các thiết bị máy tiện Morisaki, máy phay Kira, máy khoan CNC…Cơ sở cũng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng, trong đó có nhiều người là thân nhân của các gia đình thương binh, liệt sĩ tại địa phương… Bên cạnh một số lợi thế có sẵn như nguồn nguyên liệu và đầu ra ổn định thì cơ sở vẫn còn khó khăn đáng kể là thiếu đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn trình độ cao để vận hành và chế tạo máy móc. Ngoài ra, nhiều sản phẩm vẫn bị một số nơi làm nhái từ mẫu mã, kiểu dáng đến tên gọi, ảnh hưởng lớn tới uy tín của cơ sở…
Để cơ sở đứng vững trên thị trường, ông giao lại sự nghiệp cho con trai Nguyễn Kim Tuyên, vốn là cử nhân cơ khí của trường Đại Học Công Nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển thương hiệu sản phẩm. Lùi lại phía sau, người lính cụ Hồ năm xưa vẫn chuyên tâm với công việc của mình là nghiên cứu và sáng chế ra các loại tính năng mới cho máy. Ông tâm niệm: “Bác Hồ đã dạy, sự học là suốt đời. Ngày còn trẻ, tôi đã không có may mắn được học ở trường lớp, nên sau này, tôi vẫn tự học ở trường đời, học từ thực tế sản xuất và chính từ những lần thất bại. Con trai tôi luôn nung nấu ý định sẽ đưa sản phẩm Việt Nam chất lượng cao xuất ngoại mà trước tiên là các nước thuộc khu vực ASEAN như Lào, Capuchia, Malaysia… Còn mong ước của tôi chỉ đơn giản là sẽ cải tiến ra sản phẩm càng tiện ích hơn, với giá thành phù hợp hơn để giúp